Thành tựu
PINACO thuộc top 1.000 DN nộp thuế lớn nhất Việt Nam năm 2015
Công ty CỔ PHẦN PIN ẮC QUY MIỀN NAM (PINACO) vừa được xếp hạng 222 ở Top 1000 Doanh nghiệp nộp thuế thu nhập Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015. Đây là nghĩa vụ nhưng cũng là một vinh dự lớn đối với PINACO, vì đã đóng góp vào ngân sách quốc gia, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Hôm nay, ngày 14 tháng 10 năm 2015, Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietNamNet – Bộ Thông tin Truyền thông và Tạp chí Thuế - Tổng Cục Thuế chính thức công bố Bảng Xếp hạng V1000 - 1000 Doanh nghiệp nộp thuế thu nhập Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015 nhằm biểu dương, tôn vinh và khuyến khích các Doanh nghiệp có mức nộp thuế thu nhập Doanh nghiệp cao, có trách nhiệm xã hội và tuân thủ tốt các chính sách, pháp luật về thuế trong năm 2014. Thứ tự xếp hạng của Doanh nghiệp trong Bảng Xếp hạng V1000 năm nay được xác định căn cứ vào số thuế thu nhập Doanh nghiệp đã nộp trong năm 2014.
Đây là năm thứ 6 liên tiếp Bảng Xếp hạng V1000 được công bố dựa trên kết quả thu thập, điều tra, xử lý và kiểm chứng dữ liệu độc lập của Ban tổ chức Bảng xếp hạng V1000 kết hợp với những thông tin được cung cấp bởi các cơ quan hữu quan và được đối chứng với nguồn dữ liệu phản hồi của các Doanh nghiệp về Ban tổ chức trong các cuộc điều tra dữ liệu của Vietnam Report.
Thông tin và danh sách chi tiết được đăng tải trên website Chương trình V1000: http://www.v1000.vn.
Nguồn: Bảng xếp hạng V1000 năm 2015 của Vietnam Report
Sau một năm với nhiều biến động của nền kinh tế trong nước cùng những thay đổi trong chính sách kinh tế vi mô, vĩ mô, đặc biệt là những nỗ lực cải cách của toàn bộ ngành thuế đã tác động không nhỏ đến công tác nộp thuế của cộng đồng các Doanh nghiệp Việt Nam, tạo ra những điểm khác biệt của Bảng xếp hạng V1000 năm nay.
Viettel và 2 lần liên tiếp dẫn đầu Bảng xếp hạng
Bảng xếp hạng V1000 năm 2015 vừa công bố một lần nữa đón nhận Viettel tại vị trí đầu bảng với những đóng góp to lớn cho ngân sách Nhà nước. Viettel là một trong những tập đoàn vốn Nhà nước hoạt động hiệu quả nhất hiện nay. Theo số liệu báo cáo của tập đoàn, trong năm 2014, Viettel đạt doanh thu 197.000 tỷ đồng, tăng trưởng trên 20%, lợi nhuận trước thuế đạt 42.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15%.
Ngoài ra, Top 10 trong Bảng xếp hạng năm nay bên cạnh sự vươn lên của 4 gương mặt mới là Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Công ty TNHH SamSung Electronics Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là sự trở lại của 6 đại diện thân quen đã từng được vinh danh trong Bảng xếp hạng V1000 năm 2014. Điều đó thể hiện nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ của các Doanh nghiệp không chỉ trong công cuộc phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh mà đi kèm với đó còn là ý thức thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với sự phát triển của quốc gia.
Doanh nghiệp V1000 và vai trò quan trọng đối với ngân sách Nhà nước
Theo số liệu thống kê của Bảng Xếp Hạng V1000 năm nay, tổng số thuế mà các Doanh nghiệp V1000 đóng góp vào ngân sách Nhà nước đạt 82.344 tỷ đồng, tăng 2,34% so với mức 80.460 tỷ đồng của năm trước, chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách của Nhà nước năm 2014 theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Trong đó, Top 100 Doanh nghiệp đứng đầu đóng góp khoảng hơn 50.000 tỷ đồng, chiếm tới hơn 60% tổng số thuế thu nhập Doanh nghiệp toàn Bảng xếp hạng.
Khối Doanh nghiệp Nhà nước đóng góp chủ yếu vào ngân sách quốc gia
Bảng xếp hạng V1000 những năm gần đây vẫn luôn ghi nhận vai trò quan trọng của khối Doanh nghiệp Nhà nước trong việc đóng góp vào nguồn ngân sách quốc gia. Bảng xếp hạng V1000 năm 2015 có sự xuất hiện của 229 Doanh nghiệp Nhà nước, tuy nhiên, số Doanh nghiệp này lại đóng góp khoảng 45% tổng số thuế thu nhập Doanh nghiệp của toàn Bảng xếp hạng. Tuy nhiên, mức đóng góp này đã giảm đáng kể so với mức 65,6% của khối trong Bảng xếp hạng V1000 năm 2014. Những con số này vẫn thể hiện nỗ lực của khu vực Doanh nghiệp Nhà nước trong việc phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả hơn. Mặt khác cho thấy phần nào kết quả của công cuộc cổ phần hóa các Doanh nghiệp quốc doanh trong thời gian vừa qua.
Hình 1: Tỷ trọng và số Doanh nghiệp trong BXH V1000 2015 phân theo loại hình sở hữu vốn. Nguồn: Bảng xếp hạng V1000 năm 2015 của Vietnam Report
Khối Doanh nghiệp FDI và khối Tư nhân cần cải thiện hơn nữa nghĩa vụ nộp thuế
Khối FDI có tỷ lệ Doanh nghiệp xuất hiện trong Bảng xếp hạng V1000 năm nay nhiều nhất, với 460 Doanh nghiệp, tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp vào tổng số thuế thu nhập Doanh nghiệp của toàn bảng chỉ dừng lại ở mức khoảng 37%. Khối Tư nhân là khối có tỷ lệ xuất hiện của Doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng đứng ở vị trí thứ 2 là 311 Doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ đóng góp chỉ đạt khoảng 18%. Điều này cho thấy sự bất tương xứng trong số lượng Doanh nghiệp và mức đóng góp của các Doanh nghiệp trong 2 khối này trong Bảng xếp hạng. Đây được xem là một nghịch lý khi khối Doanh nghiệp FDI đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô nền kinh tế Việt Nam, trong khi khối Doanh nghiệp Tư nhân ngày càng được đánh giá là thành phần kinh tế chủ chốt.
Ngành Viễn thông – Tin học – CNTT đóng góp lớn nhất trong Bảng xếp hạng V1000
Bảng xếp hạng V1000 năm nay mang đến rất nhiều tin mừng cho khối ngành Viễn thông – Tin học – CNTT khi không chỉ Doanh nghiệp dẫn đầu Bảng xếp hạng là Viettel – một Tập đoàn viễn thông tiêu biểu, mà ngành này cũng là ngành đóng góp lớn nhất vào Bảng xếp hạng năm nay mặc dù không phải là ngành có số lượng Doanh nghiệp xuất hiện trong Bảng xếp hạng nhiều nhất, chỉ 4,6%. Tuy nhiên mức đóng góp của số Doanh nghiệp ít ỏi đó lại chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt khoảng 18%. Xếp vị trí thứ hai là ngành Tài chính, với 76 Doanh nghiệp có tên trong Bảng xếp hạng, đóng góp khoảng 14%. Ngành có số lượng Doanh nghiệp xuất hiện nhiều nhất trong Top 5 ngành đóng góp lớn vào Bảng xếp hạng năm nay là Thực phẩm, Đồ uống, Thuốc là với con số lên đến 110 Doanh nghiệp, tuy nhiên mức đóng góp của khối ngành này chỉ dừng lại ở mức hơn 11%, xếp vị trí thứ 4.
Hình 2: Tỷ trọng và số Doanh nghiệp trong BXH V1000 2015 phân theo ngành nghề hoạt động. Nguồn: Bảng xếp hạng V1000 năm 2015 của Vietnam Report
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu về số lượng và tỷ trọng đóng góp của Doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng
Đây vẫn luôn là 2 địa phương có số lượng Doanh nghiệp lọt Bảng xếp hạng V1000 nhiều nhất sau nhiều năm công bố. Trong Bảng xếp hạng V1000 năm nay, dẫn đầu về số lượng là Thành phố Hồ Chí Minh với 338 Doanh nghiệp, Hà Nội xếp thứ 2 với số lượng Doanh nghiệp ít hơn là 226. Tuy nhiên, tỷ lệ nộp thuế của các Doanh nghiệp tại Hà Nội lại cao hơn Thành phố Hồ Chí Minh, lần lượt là 37,3% và 33,4%.
Đồng Nai và Bình Dương vẫn giữ được vị thế của mình so với Bảng xếp hạng V1000 năm trước khi tiếp tục giữ vị trí tiếp theo ngay sau 2 thành phố lớn tập trung nhiều Doanh nghiệp. Tỉnh Đồng Nai có 97 Doanh nghiệp có mặt trong Bảng xếp hạng, đóng góp 5,2%, trong khi đó, tỉnh Bình Dương có 78 Doanh nghiệp lọt vào Bảng xếp hạng, đóng góp hơn 4,8%.
Hình 3: Tỷ trọng và số Doanh nghiệp trong BXH V1000 2015 phân theo địa bàn hoạt động. Nguồn: Bảng xếp hạng V1000 năm 2015 của Vietnam Report
Trong khuôn khổ chuẩn bị công bố Bảng xếp hạng V1000 – Top 1000 DN nộp thuế Thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2015, Ban Tổ chức V1000 cũng đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của đại diện các DN V1000 trong 5 năm trở lại đây nhằm tổng hợp những nhận định của các DN trước những nỗ lực cải cách của ngành Thuế trong thời gian vừa qua.
Doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hài lòng với hệ thống thuế hiện hành của Việt Nam
Trong thời gian vừa qua, ngành thuế đã cố gắng nỗ lực cải cách sâu rộng trong toàn bộ hệ thống nhằm đem lại một môi trường thuế minh bạch, giảm thiểu tối đa những khó khăn cho Doanh nghiệp đang hoạt động cũng như tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, tuy nhiên, hệ thống thuế hiện hành của Việt Nam vẫn chưa thực sự “được lòng” các Doanh nghiệp và cần có thêm những điều chỉnh, cải cách để nhận được những đánh giá phản hồi tích cực hơn.
Hình 4: Nhận xét của DN về hệ thống thuế hiện hành của Việt Nam. Nguồn: Khảo sát các DN V1000 do Vietnam Report thực hiện, tháng 9/2015
Theo như kết quả khảo sát, có tới 61% số Doanh nghiệp mong muốn sửa đổi thêm nhiều điểm trong quy định hiện nay của hệ thống thuế. 26% Doanh nghiệp mong muốn sửa đổi thêm chút ít, và chỉ có 13% DN hài lòng với những chính sách thuế hiện nay.
Quy định pháp luật, chính sách thuế vẫn là vướng mắc lớn nhất của Doanh nghiệp
Trong năm 2014 vừa qua, các DN vẫn gặp phải một số vấn đề vướng mắc chủ yếu sau liên quan đến thuế, bao gồm các quy định pháp luật, chính sách thuế, với 33% số Doanh nghiệp lựa chọn ý kiến này; biểu mẫu rườm rà hay thay đổi (16%); thủ tục hành chính phức tạp (13%); quá trình thanh tra kiểm tra (12%); và các vấn đề liên quan đến kê khai thuế qua mạng (11%).
Hình 2.4.2: Những vấn đề vướng mắc liên quan đến thuế mà DN gặp phải trong năm 2014. Nguồn: Khảo sát các DN V1000 do Vietnam Report thực hiện, tháng 9/2015
Kết quả trên cho thấy, quá trình cải cách thuế chưa bao giờ là dễ dàng và nhanh chóng, mặc dù trong thời gian vừa qua, toàn bộ ngành thuế đã có những nỗ lực cố gắng đáng ghi nhận. Những quy định pháp luật, chính sách thuế không phải là những vấn đề mới, tuy nhiên để giải quyết được dứt điểm vướng mắc này cần một quá trình lâu dài và quyết tâm của cả hệ thống thuế cũng như sự đóng góp hỗ trợ tích cực từ phía các Doanh nghiệp. Chính vì thế, trong thời gian sắp tới, đây là một trong những nhiệm vụ nặng nề của cơ quan thuế các cấp trong việc giải quyết những vướng mắc cho Doanh nghiệp.
Được tham gia vào quá trình soạn thảo, sửa chữa, bổ sung các VBPL về thuế là mong muốn chình đáng của Doanh nghiệp
Trong rất nhiều yếu tố mà các Doanh nghiệp phản hồi mong muốn được cải thiện, dẫn đầu vẫn là những vấn đề liên quan đến đơn giản hóa thủ tục hành chính, với 27% số Doanh nghiệp bày tỏ mong muốn này, tiếp đó là sự tăng cường ứng dụng của CNTT trong các TTHC thuế với 16% số Doanh nghiệp lựa chọn ý kiến này. Nâng cao năng lực giải quyết công việc của cán bộ thuế; và tăng tính công khai mình bạch trong thực hiện TTHC thuế cũng là những yếu tố khiến các Doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng với chế độ hiện hành của hệ thống thuế Việt Nam.
Hình 2.5.3: Những yếu tố DN mong muốn cải thiện trong chính sách thuế hiện nay. Nguồn: Khảo sát các DN V1000 do Vietnam Report thực hiện, tháng 9/2015
Ngoài ra, theo như số liệu Ban Tổ chức V1000 thu thập được trong đợt khảo sát vừa qua, 9% số Doanh nghiệp có mong muốn được tham gia vào quá trình soạn thảo, sửa chữa, bổ sung các VBPL về thuế, trong đó tỷ lệ Doanh nghiệp thể hiện mong muốn này nhiều nhất đến từ khối FDI và Tư nhân. Đây cũng là 2 khối Doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng trong quy mô nền kinh tế của Việt Nam. Việc mong muốn được đóng góp ý kiến vào quá trình soạn thảo các VBPL về thuế của các Doanh nghiệp nói chung và 2 khối Doanh nghiệp này nói riêng cho thấy sự quan tâm nhất định của Doanh nghiệp đối với các quy định, chính sách thuế. Hơn thế nữa, việc đóng góp ý kiến của Doanh nghiệp vào quá trình đưa ra chính sách là một điều hợp lý và nên làm, một mặt giúp Doanh nghiệp phản hồi trực tiếp đến các cơ quan có thẩm quyền những khó khăn về chính sách đang gặp phải, mặt khác giúp cơ quan thuế có những điều chỉnh đúng hướng, đi vào trọng tâm vấn đề, giải quyết được những vướng mắc của Doanh nghiệp, hỗ trợ tốt hơn cho Doanh nghiệp trong quá trình phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp lạc quan trước tác động của những điều chỉnh về thuế (đặc biệt là thuế XNK) dựa trên HĐ TPP đến DN
Sau 5 năm đàm phán, vào ngày 05/10/2015 vừa qua, hiệp định thương mại tự do lịch sử TPP đã đi đến hồi kết tốt đẹp với việc hoàn tất các thỏa thuận giữa 12 nước thành viên, hứa hẹn đem đến cho kinh tế và xã hội Việt Nam những cơ hội phát triển mới. Các Doanh nghiệp Việt Nam có lẽ là những đối tượng theo dõi sát sao nhất từng vòng đàm phán ký kết của hiệp định này, bởi lẽ sẽ có những Doanh nghiệp được hưởng lợi nhưng có những Doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải cố gắng nỗ lực phát triển hơn rất nhiều để “trụ hạng” trong cuộc cạnh tranh “nội – ngoại” khốc liệt ngay trên “sân nhà”. Khi TPP được ký kết, một trong những điều mà ai cũng có thể đoán biết được, đó chính là sự ảnh hưởng của nó đến hệ thống thuế hiện hành của Việt Nam, đặc biệt là thuế XNK. Như đã đề cập ở phía trên, bên cạnh những Doanh nghiệp cảm thấy hào hứng vì được hưởng lợi từ những thay đổi đó, thì cũng có rất nhiều những Doanh nghiệp thấy e ngại vì phải chịu những tác động tiêu cực, hay những Doanh nghiệp đứng ngoài vòng ảnh hưởng khi không chịu quá nhiều áp lực từ những thay đổi này.
Hình 2.3.2: Nhận định của DN về tác động của những điều chỉnh về thuế (đặc biệt là thuế XNK) dựa trên HĐ TPP đến DN. Nguồn: Khảo sát các DN V1000 do Vietnam Report thực hiện, tháng 9/2015
Theo như số liệu thống kê, gần một nửa số Doanh nghiệp phản hồi (49%) nhận thấy mình sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi về chính sách thuế sau khi Việt Nam ký kết hiệp định TPP, điều này cho thấy niềm tin của Doanh nghiệp vào một tương lai sáng lạn trong cuộc cạnh tranh với các Doanh nghiệp nước ngoài cũng như hi vọng tích cực vào những đổi mới trong chính sách thuế đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp. 42% là tỷ lệ số Doanh nghiệp cho rằng mình không chịu quá nhiều tác động của những chính sách cải cách thuế sau khi TPP được thông qua. 9% số Doanh nghiệp còn lại có cái nhìn “bi quan” khi nhận thấy những ảnh hưởng tiêu cực mà những cải cách thuế dựa trên hiệp định lịch sử này sẽ đem đến cho Doanh nghiệp.
Tổng hợp từ Vietnamnet.vn & Vietnam Report
---------------------------------------------------
PINACO – nhà sản xuất ắc quy Đồng Nai.
PINACO – nhà sản xuất pin Con Ó.